Nên thi công nhà ở bằng gỗ tự nhiên hay gỗ công nghiệp?
Ưu điểm
Gỗ tự nhiên thường có độ bền cao theo thời gian, một số loại gỗ thuộc dạng quý hiếm như Pơ mu, Giáng Hương, Đinh Hương, Gụ, Trắc còn gia tăng giá trị theo thời gian sử dụng.
Ngoài ra, gỗ tự nhiên còn có độ bền cao khi tiếp xúc với nước, tuy nhiên sau đó cần được gia công xử lý ngay để tránh tình trạng mục, sần sùi bề mặt.
Kích thước của gỗ tự nhiên khá phong phú, người thợ có thể thiết kế họa tiết, kết cấu mỹ thuật trên loại gỗ này trong khi không thể làm được ở gỗ công nghiệp vì gỗ công nghiệp được sản xuất theo tấm định hình.
Xét về tính thẩm mỹ, gỗ tự nhiên mang phong cách vừa cổ điển, vừa hiện đại nhưng vẫn ấm cúng và sang trọng. Từ xưa, những người am hiểu về gỗ có thể nhìn vân gỗ để nhận diện từng loại gỗ bởi từng vân gỗ biểu hiện cho nét đặc trưng riêng của mỗi loại. Tuỳ vào sở thích của bản thân mà bạn nên cân nhắc lựa chọn loại vân gỗ và màu sắc cho phù hợp.
Thông thường, gia công sản phẩm gỗ công nghiệp đơn giản hơn gỗ tự nhiên bởi chi phí nhân công ít, đồng thời có thể sản xuất ngay, sản xuất hàng loạt do các tấm gỗ đã qua xử lý dưới dạng tấm, phôi gỗ đã có sẵn nên người thợ không mất quá nhiều thời gian trong việc cưa, xẻ, bào và gia công làm nhẵn bề mặt mà chỉ cần cắt, ghép, dán. Đồng thời giá phôi cũng rẻ hơn, do đó gỗ công nghiệp thường có giá thành thấp hơn nhiều so với gỗ tự nhiên.
Bên cạnh đó, gỗ công nghiệp còn có một đặc điểm nổi bật là không cong vênh, không co ngót, giúp người thợ dễ dàng tạo mặt phẳng và sơn các màu khác nhau nhưng không bị sần sùi, thô kệch.
Do đặc thù hình dạng và tính chất, gỗ nhân tạo thường được thiết kế theo phong cách đơn giản nhưng hiện đại, trẻ trung, phổ biến cho nhiều đối tượng sử dụng.
Nhược điểm của gỗ tự nhiên, gỗ công nghiệp
Thực tế, gỗ tự nhiên ngày càng khan hiếm. Hiện nay, hầu hết gỗ tự nhiên đều được nhập khẩu, chi phí gia công chế tác cũng rất tốn kém vì phải làm thủ công nhiều, do vậy mà giá cả gỗ này thường rất cao. Gỗ tự nhiên thường có hiện tượng cong vênh, co ngót nếu không qua xử lý tốt. Hiện tượng này thường xảy ra ở những tấm gỗ có bề mặt diện tích lớn như cánh tủ, cánh cửa…
Nếu so sánh về độ bền thì gỗ công nghiệp không được bền bằng gỗ tự nhiên. Ngoài ra, một điểm quan trọng ảnh hưởng lớn đến độ bền của gỗ công nghiệp là các phụ kiện đi kèm như bản lề cánh tủ, ray trượt ngăn kéo, nếu dùng các phụ kiện chất lượng thấp rất dễ làm hỏng hoặc ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Do đặc điểm vật lý và sự liên kết của từng vân gỗ công nghiệp nên các xưởng không thể sản xuất được chi tiết mỹ thuật phức tạp như trên gỗ tự nhiên, điều này ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ và độ tinh tế do sản phẩm mang lại(đường soi, họa tiết, hoa văn,…). Từ đó, giá sản phẩm gỗ công công nghiệp sau khi chế tác cũng rẻ hơn, phân khúc phục vụ khách hàng cũng hạn chế.
So sánh gỗ tự nhiên và gỗ công nghiệp
Gỗ tự nhiên có khả năng chịu được trọng lực lớn, không bị biến dạng khi có tác động mạnh từ bên ngoài. Trong điều kiện được tẩm sấy và sơn bả nghiêm ngặt, gỗ tự nhiên sẽ chịu được những nơi có thời tiết ẩm ướt kéo dài mà không bị bong tróc. Tuổi thọ trung bình của gỗ tự nhiên kéo dài lên đến 30 năm.
Tuy nhiên, thi công nội thất bằng gỗ tự nhiên thường phải đối mặt với hiện tượng cong vênh, co ngót sau một thời gian sử dụng. Mặt khác, gỗ tự nhiên kém chất lượng còn dễ bị mối mọt tấn công, đặc biệt trong môi trường nồm ẩm.
Hoặc nếu người thợ thi công nội thất không có chuyên môn cao, kém chuyên nghiệp thì xác suất hiện tượng cong vênh, co ngót xảy ra sẽ cao hơn, chẳng hạn như bố trí kích thước không hợp lý hoặc ghép mộng không đúng kỹ thuật,…
Đã là gỗ thì sẽ không tránh được vấn đề mối mọt, kể cả gỗ công nghiệp hay gỗ tự nhiên. Tuy nhiên gỗ công nghiệp có sử dụng keo, hóa chất để sản xuất nên mối mọt sẽ kén và chậm ăn hơn gỗ thịt (gỗ tự nhiên).
Sở dĩ gỗ tự nhiên có giá thành cao như vậy một phần không nhỏ chính là yếu tố thẩm mỹ mà nó mang lại. Mỗi loại gỗ tự nhiên có một hệ vân gỗ đặc trưng khiến cho đồ gỗ trở nên bắt mắt, sở hữu vẻ đẹp lạ và sang trọng. Mức giá gỗ tự nhiên bình quân dao độngtrong khoảng từ 6,5 triệu đồng/m3 (đối với gỗ sồi) – 50 triệu đồng/m3 (đối với gỗ cẩm lai đen).
Trong khi đó, gỗ công nghiệp lại chinh phục người dùng bởi sự đa dạng từ các vật liệu bề mặt. Chỉ với một loại cốt gỗ MDF hoặc HDF chống ẩm, bạn có thể kết hợp với nhiều dạng vật liệu bề mặt khác nhau như laminate, veneer, acrylic hoặc phủ sơn. Gỗ công nghiệp có màu sắc đa dạng, phù hợp cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau trong nội thất, đặc biệt ván gỗ nhân tạo có đặc tính nổi bật là không cong vênh, co ngót nên hiện nay gỗ công nghiệp thường được ứng dụng nhiều trong thiết kế nội thất hiện đại, giúp gia chủ dễ dàng biến tấu căn nhà theo những phong cách mà mình mong muốn.
Về độ chống ẩm và nấm mốc, gỗ công nghiệp (MDF) được xử lý bề mặt bằng phương pháp cán laminate hay melamine thì dù trời có nồm hay độ ẩm không khí cao thì sản phẩm bằng gỗ công nghiệp (MDF) cũng không dễ bị cong vênh hay co ngót như gỗ thịt.
Không những thế, thời gian thi công gỗ công nghiệp nhanh hơn rất nhiều so với gỗ tự nhiên. Gỗ công nghiệp có thể sản xuất hàng loạt vì phôi gỗ thường đã có sẵn, theo dạng tấm nên thợ chỉ việc cắt, ghép, dán, không mất công trong việc xẻ gỗ, bào và gia công bề mặt đánh giấy ráp.
Mỗi loại gỗ có ưu, nhược điểm khác nhau, nếu sử dụng hợp lý sẽ giúp làm tăng tuổi thọ của gỗ. Đối với những loại gỗ có thể chịu được nước, nên ưu tiên sử dụng trong môi trường có độ ẩm cao. Ngược lại, những loại gỗ cứng thì nên dùng ở nơi thường hay va đập, ví dụ như cầu thang (thường được làm bằng gỗ lim), sàn nhà (thường được làm bằng gỗ căm xe),…
Các loại gỗ thường được sử dụng trong thi công nhà ở
Cây gỗ óc chó thường gặp nhiều nhất ở rừng xứ sở các nước Ba Tư cũ, các khu rừng nước Anh, miền Nam California Mỹ, và khu vực Bắc Mỹ. Gỗ này không có ở các rừng châu Á vì khí hậu không thích hợp cho chúng phát triển.
Ở Việt Nam, gỗ óc chó xuất hiện lần đầu tiên trong giai đoạn những năm 2007 – 2008 thông qua các sản phẩm nhập khẩu từ thương hiệu nội thất rời như bàn ghế, giường ngủ, tủ kệ,… từ nước ngoài nhập về. Những năm gần đây, xu thế sử dụng nội thất đóng từ gỗ óc chó cho công trình nhà ở, nhà phố, biệt thự hay văn phòng tăng cao do khả năng thích ứng tốt với khí hậu Việt Nam, chất liệu gỗ bền, mang phong cách sang trọng và đẳng cấp.
Gỗ sồi là một loại gỗ cứng, chúng phát triển ở nhiều nước trên thế giới có khí hậu ôn đới, tập trung nhiều ở một số vùng đất tại Mỹ, nên thường được gọi là sồi Mỹ. Về chủng loại thì sồi có hai loại đó là gỗ sồi đỏ (Red Oak) và gỗ sồi trắng (White Oak).
Nếu bạn có kế hoạch sử dụng nội thất làm từ gỗ sồi, bạn nên nhờ nhà thiết kế nội thất tư vấn giúp bạn. Điều này không chỉ giúp người dùng sử dụng chi phí hợp lý mà còn có thể đảm bảo màu sắc thể hiện chính xác sau khi hoàn thành.
Gỗ MDF (Medium Destiny Fiberboard) có 2 loại chính đó là loại lõi thường và loại lõi xanh chống ẩm. Gỗ loại này thích hợp để thi công nội thất gia đình như tủ kệ giày dép, tủ bếp, vách nhà tắm,…và cũng được sử dụng khá nhiều trong thi công nội thất các cửa hàng.
Tuy nhiên loại gỗ này chỉ chống được ẩm, nếu tiếp xúc với nước trong thời gian dài sẽ bị trương nở gỗ. Độ cứng của gỗ tốt những không có độ dẻo dai, đồng thời gỗ không thể sử dụng để trạm khắc được như gỗ tự nhiên. Và số năm tuổi thọ thấp hơn gỗ tự nhiên, thông thường kéo dài từ 8 – 10 năm.
Ván dăm MFC là loại gỗ nhân tạo, xuất xứ từ nguyên liệu gỗ rừng trồng (bạch đàn, keo, cao su,…), có thể hiểu ngắn gọn là ván OKAL nhưng mặt ván có phủ lớp melamine. Loại gỗ này có ưu điểm là mức giá thành vừa phải, do có lớp phủ melamine giúp làm tăng khả năng chống trầy, chống ẩm, kích thước bề mặt rộng, được sử dụng khá thông dụng trên thị trường, có tính thẩm mỹ tương đối. Mặt nhược điểm của sản phẩm này là khả năng chịu lực kém, dễ cong vênh, mối mọt ăn mòn nếu để trong môi trường với độ ẩm cao.
Ván MFC chủ yếu được sử dụng để trang trí nội thất, sản xuất đồ mộc gia đình hoặc nơi công sở. Ván được sản xuất bằng quá trình ép dăm gỗ đã trộn keo, tương tự như MDF nhưng gỗ được xay thành dăm, nên chúng có chất lượng kém hơn ván sợi.
Ngoài ra, còn một loại gỗ bắt nguồn từ tự nhiên, gỗ ghép thanh là loại ván gỗ được sản xuất từ việc ghép các thanh gỗ tự nhiên (nguồn gỗ rừng trồng) với nhau bằng các công nghệ hiện đại, tạo nên một tấm gỗ có kích thước lớn. Những thanh gỗ nhỏ được xử lí tẩm sấy nghiêm ngặt trên dây chuyền hiện đại để loại bỏ hết các tác nhân có hại như mối mọt, ẩm mốc. Sau đó gỗ được cưa, bào, phay, ghép, chà, ép, phủ sơn để tạo nên thành phẩm là gỗ ghép thanh nguyên tấm.
Ưu điểm của loại gỗ này là không bị mối mọt xâm nhập, cong vênh theo thời gian sử dụng. Đồng thời, sản phẩm có sự đa dạng về mẫu mã, bề mặt được xử lí tốt nên có độ bền màu cao, khả năng chịu xước và va đập tốt. Xét về độ bền, sản phẩm gổ này không hề thua kém gỗ nguyên khối nếu trình độ gia công tốt và giá thành cũng rẻ hơn từ 20 – 30% so với gỗ tự nhiên nguyên khối.
Mặt khác, gỗ ghép thanh vẫn tồn tại nhược điểm cố hữu là tính đồng đều về màu sắc và hệ vân không cao do được ghép từ nhiều thanh gỗ khác nhau. Với những gia đình có khả năng kinh tếtầm trung thì sử dụng nội thất bằng gỗ tự nhiên ghép thanh sẽ là một quyết định sáng suốt.
Tóm lại, sự lựa chọn vật liệu trong thi công nhà ở chủ yếu phụ thuộc vào phong cách, nhu cầu và tài chính của từng người. Có người thích phong cách cổ điển, ấm cúng thì chọn gỗ tự nhiên, còn nếu thích phong cách hiện đại, trẻ trung, có thể chọn gỗ công nghiệp để làm đồ nội thất.Bạn nên tham khảo thêm các chuyên gia về gỗ hoặc kiến trúc sư để có thể đưa ra sự lựa chọn sáng suốt và thông minh nhất cho căn nhà của mình.