Có nhiều ưu điểm nhưng tại sao phong thủy nhà lệch tầng lại xấu?
Nhà lệch tầng là nhà có các mặt sàn so le nhau, không cùng nằm trên một mặt phẳng. Kiểu nhà này có nhiều ưu điểm như:
- Tăng tính thẩm mỹ, tạo sự thú vị cho không gian.
- Tầm nhìn phong phú, góc quan sát rộng.
- Tăng sự thông thoáng, vì thang lệch tầng thường kết hợp giếng trời, đồng thời các tấm sàn lệch nhau tạo các đường gió xuyên giữa các tầng.
- Sử dụng không gian hiệu quả hơn, vì có thể phân chia chiều cao thông thủy theo tính chất của từng không gian. Bạn hoàn toàn có thể cho các không gian phụ như: để xe, kho, wc,…có chiều cao thấp, để nhường các không gian chính như: phòng khách, bếp, sinh hoạt,…cao hơn, thay vì làm chiều cao bằng nhau cho mọi không gian như thông thường, gây lãng phí không gian.
- Ngoài ra, nếu bố trí khéo, nhà lệch tầng còn là giải pháp tiết kiệm diện tích giao thông, tăng diện tích sử dụng.
Phương án này nhờ bố trí lệch tầng hợp lí, nên diện tích giao thông (cầu thang, hành lang) nhỏ hơn, nhờ đó diện tích 2 phòng ngủ tăng thêm so với bố trí thông thường
Nhà lệch tầng có nhiều ưu điểm như vậy, tuy nhiên vẫn có quan niệm cho rằng thế nhà này không tốt về phong thủy. Hãy cùng phân tích từng lí do cụ thể và hướng xử lí:
- Lí do thứ nhất, là khi các tấm sàn xen kẽ nhau, sẽ tạo các luồng khí xông trực diện vào giữa các không gian của sàn liền kề. Đây là sát khí mạnh, gây ảnh hưởng nếu nơi sinh hoạt thường xuyên đón sát khí này.
Giải pháp: Nếu không gian sinh hoạt bị luồng khí đâm ngang, hãy xây tường kín, hoặc dùng vách ngăn để chặn dòng khí xấu ảnh hưởng trực tiếp. Không phải cứ lệch tầng là có luồng khí xấu, vì nếu các sàn lệch đều là phòng kín, được xây tường cao bao quanh thì đã ngăn chặn được sát khí (Như trường hợp của hình minh họa trên, trước sau đều là phòng ngủ kín đáo).
- Lí do thứ hai, là sự bất tiện khi di chuyển, vì phải lên xuống cầu thang liên tục, trường khí quá động thì gia đạo khó yên. Di chuyển bất tiện xảy ra khi công năng tầng trước và tầng sau muốn liên hệ nhau nhưng chênh lệch cao độ. Ví dụ: Phòng bếp nấu nướng xong, phải lên vài bậc thang để đến phòng ăn chẳng hạn. Hoặc cứ mỗi khi ngủ, nếu muốn đi vệ sinh, lại phải lên xuống bậc thang, vì không có WC riêng trong phòng. Trong khi phòng ngủ cần tĩnh lặng để nghỉ ngơi sau ngày dài mệt nhọc, thì việc di chuyển này thật không nên.
Giải pháp: Nên tích hợp nhiều công năng cần thiết, có mối liên hệ nhau cùng trên một sàn. Như phòng ngủ cần đầy đủ các chức năng cần thiết: vệ sinh, thay đồ, trang điểm, làm việc, thư giãn,… nếu như vậy, khi mở cửa bước vào phòng sẽ không phải lên xuống thang nhiều lần.
Trường hợp các không gian không cần kết nối thường xuyên, như gia đình chỉ thường sinh hoạt ở phòng bếp kết hợp phòng ăn, cùng trên 1 sàn, còn phòng khách ít sử dụng thì phòng khách có cách phòng bếp vài bậc thang cũng không thành vấn đề.
- Lí do thứ ba, là vừa mở cửa phòng ra dễ gặp ngay cầu thang. Điều này sẽ nguy hiểm nếu khoảng cách quá gần, dễ có xu hướng vấp ngã nếu gặp cầu thang đi xuống. Nếu gặp cầu thang đi lên, thì khi mở cửa phòng, khí xông đột ngột vào cũng không tốt.
Giải pháp: Nên tạo trước cửa phòng 1 khoảng cách an toàn so với cầu thang, để làm sao vừa bước ra cửa còn một khoảng đệm, có thể đứng quan sát luồng giao thông. Khi vào phòng, nên khép cửa lại ngay, để tránh khí mạnh vào phòng liên tục.
- Lí do thứ tư, là dễ dẫn các luồng khí ô uế từ phòng vệ sinh đi khắp nhà, vì thông thường phòng vệ sinh sẽ bố trí kẹp với cầu thang.
Giải pháp: Đối với vấn đề này, không chỉ có nhà lệch tầng, mà nhà phố không lệch tầng cũng hay gặp phải. Nên để giải quyết triệt để, không phải là bỏ kiểu thang lệch tầng, mà phải luôn cố gắng giữ gìn phòng vệ sinh khô ráo, sạch sẽ, thậm chí là đẹp, thoải mái khi sử dụng. Biến nơi ô uế thành nơi thư giãn, là cách hữu hiệu nhất để có phong thủy tốt.
Kết luận: Nhà lệch tầng có nhiều ưu điểm về kiến trúc nhưng gặp nhiều bất lợi về phong thủy. Tuy nhiên, không phải lúc nào nhà lệch tầng cũng xấu, nếu có giải pháp phù hợp ta vẫn có thể ở trong một ngôi nhà lệch tầng đẹp và tốt cho người sử dụng.